Tại Thái Lan, cuộc đối đầu giữa chính phủ và phe đối lập đang tạm dừng. Các bên đã thỏa thuận nghỉ một vài ngày trong dịp lễ quốc gia, ngày sinh nhật Quốc vương Bhumibol Adulyadej, đến ngày 5/12 sẽ tròn 86 tuổi. Trước đó, chính phủ tránh sử dụng cảnh sát vũ trang để giải tán biểu tình và cho phép họ chiếm tổ hợp các tòa nhà chính phủ mà họ bao vây trong hai ngày.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Bangkok diễn ra trong vòng một tuần với 120 người bị thương, 5 người thiệt mạng. Cảnh sát đã dùng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su để giải tán những người biểu tình. Mục đích của chiến dịch là lật đổ chính phủ Yingluck Shinawatra và “chuyển giao chính quyền vào tay nhân dân”, như những người biểu tình yêu cầu. Đòn bẩy dẫn đến biểu tình là nỗ lực của chính phủ thúc đẩy quốc hội thông qua đạo luật về ân xá tội phạm kinh tế. Luật này sẽ cho phép cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ năm 2006, quay về nước. Và đó là điều lo sợ của tầng lớp chính trị truyền thống Thái Lan, đứng đằng sau lực lượng “áo vàng” chống chính phủ.
Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Châu Đại Dương thuộc Viện phương Đông, ông Dmitry Mosyakov nhận định:“Đây là vấn đề truyền thống đối với Thái Lan: sự không tương thích của giới tinh hoa chính trị cũ và mới. Ở Thái Lan, theo truyền thống, toàn bộ chính sách đã được thực hiện bởi Đảng Dân chủ Bangkok, cũng như các đảng liên quan đến vốn tư bản Trung Quốc và liên quan với quân đội. Trong những năm 2000, ông Thaksin Shinawatra xuất hiện đưa quần chúng nông dân Thái Lan vào nền chính trị và lập đảng "Người Thái yêu người Thái” với tư cách là đảng quốc dân. Với số tiền lớn, ông giữ lời hứa và thực sự cải thiện đời sống nông dân. Vì vậy, ông Thaksin đã trở thành thần tượng của nhân dân và kẻ thù của giới chính trị Bangkok. Xung quanh Thaksin Chinnavata hình thành các tầng lớp chính trị mới. Quân đội bất ngờ lật đổ Thaksin Chinnavata trong năm 2006, cáo buộc ông tham nhũng. Nhưng quân đội ra đi, và trong cuộc bầu cử một lần nữa lực lượng liên quan đến Thaksin Shinawatra giành chiến thắng.”
Năm 2011, khi em gái ông Thaksin là Yingluck Shinawatra chiến thắng trong cuộc bầu cử và trở thành Thủ tướng Chính phủ, tầng lớp truyền thống đã hy vọng vào sự yếu đuối và kém cỏi của bà, nhưng họ tính lầm. Chính phủ Yingluck Shinawatra đã tỏ ra hiệu quả trong cuộc chiến khắc phục lũ lụt tàn phá và trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước nhà. Phần lớn dân số trong nước ủng hộ chính phủ Thaksin Shinawatra và em gái của ông. Giới thượng lưu truyền thống hiểu rằng trong trường hợp cựu Thủ tướng trở lại, cơ hội họ lên nắm quyền sẽ trở nên tối thiểu. Và vì vậy họ huy động những người ủng hộ tập trung ở Bangkok và bắt đầu cuộc biểu tình đòi chính phủ từ chức. Khó có thể nói về kết quả của cuộc đấu tranh này. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của hai lực lượng chính là nhà vua và quân đội.
Theo ông Dmitry Mosyakov, “ở Thái Lan, nhà vua có quyền hạn rất lớn. Nhưng ông đã già và đau yếu, mà các con của ông thì không có uy tín và không thể hòa giải xung đột. Còn quân đội thì đã tuyên bố không can thiệp vào cuộc xung đột chính trị này. Nhưng quân đội hiểu rằng sẽ can thiệp và giành chính quyền từ chính phủ hiện nay, một vài tháng nữa những người nông dân áo đỏ ủng hộ Thaksin Chinnavata sẽ kéo đến Bangkok, và tình hình sẽ lặp lại, nhưng với dấu hiệu ngược lại.”
Theo chuyên gia Nga, cuộc đối đầu khủng hoảng chính trị giữa các tầng lớp tinh hoa được lặp đi lặp lại khoảng 2-3 năm một lần cản trở Thái Lan phát triển bền vững. Cuộc khủng hoảng hiện nay cần được giải quyết càng sớm càng tốt, trước khi bắt đầu mùa năm mới. Bởi vì kinh doanh du lịch là một trong những cơ sở phúc lợi của đất nước mà bất ổn chính trị gây ra thiệt hại rất lớn. Đó là điều ai cũng hiểu - cả chính phủ và phe đối lập.